Cạn kiệt tiền khi các biện pháp chống dịch phát sinh chi phí, dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bức xúc khi vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.
Miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn thay vì chỉ là hoãn thời gian, là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Với lượng tiền mặt hiện tại, một doanh nghiệp có gần 250 nhân sự kinh doanh hoa tươi tại quận 3 (TP HCM) cho biết chỉ có thể cầm cự chưa đầy hai tháng nữa. Anh Phạm Hoàng Thái Dương, chủ doanh nghiệp đang tìm cách thế chấp căn nhà riêng để vay ngân hàng. Để giảm gánh nặng tài chính, anh buộc phải cho 75% nhân viên tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, để họ nhận hỗ trợ khoản tiền tối đa 3,7 triệu đồng từ gói an sinh 26.000 tỷ.
Theo quy trình, anh Dương gửi danh sách nhân viên kèm hồ sơ sang Bảo hiểm xã hội để xử lý. Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, đơn vị này đã xác nhận xong danh sách và chuyển về quận 3. Xong do vướng mắc khâu nào đó, mà sau hai tháng nộp hồ sơ, nhân viên của anh chưa được chi trả một đồng nào. Anh Dương như "ngồi trên đống lửa" vì người lao động phải ở nhà nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa tới tay.
Với 25% nhân viên còn lại vẫn đang ký hợp đồng, doanh nghiệp và người lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, phí công đoàn đầy đủ. Tuy đủ điều kiện được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng, doanh nghiệp của anh cũng không mấy mặn mà. Khoản tiền bảo hiểm dồn lại gần tỷ đồng sau 6 tháng sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay.
Cùng bức xúc vì chính sách bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Công ty cổ phần Clever Group chia sẻ, doanh nghiệp đã trải qua 4 đợt giãn cách từ khi có dịch, lần này là nặng nhất. Người lao động tại chi nhánh TP HCM không được đi làm 5 tuần, tại Hà Nội và Đà Nẵng là hơn 1 tháng.
Theo ông, việc không cho phép doanh nghiệp đi làm tại công sở khi chống dịch nhưng vẫn đóng bảo hiểm xã hội là "thiếu logic". Doanh nghiệp không đảm bảo được hoạt động kinh doanh do thực hiện các quyết sách chống dịch và việc này cũng được xem là một dạng rủi ro.
"Tôi cũng không thể để nhân viên nghỉ việc không lương vì làm vậy là mất nhân lực. Người lao động không được đi làm nhưng mỗi tháng doanh nghiệp và nhân viên công ty vẫn phải đóng vài trăm triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nộp chậm lại bị tính lãi phạt cao", ông nói.
Chủ doanh nghiệp này cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ dòng tiền cho ba tháng, họ sẽ chết nếu không được hỗ trợ. "Việc miễn, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn, ít nhất tới khi người lao động được đi làm trở lại là sự hỗ trợ ý nghĩa nhất của chính sách bảo hiểm xã hội trong lúc này", ông chia sẻ.
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm thương mại điện tử và F&B... cũng nóng ruột chờ chính sách hỗ trợ từng ngày. Doanh thu mảng thương mại điện tử giảm mạnh trong mùa dịch trong khi vẫn phải chịu chi phí lớn khiến doanh nghiệp đang gánh lỗ.
Công ty đã tìm cách triển khai thêm mảng mới là F&B online khi dịch bùng phát năm 2020. Những tưởng kinh doanh ổn định nhưng dự án phải dừng lại vì các biện pháp chống dịch, trong khi đã bỏ nhiều vốn đầu tư. Chịu áp lực dòng tiền, cổ đông của doanh nghiệp đành phải xoay xở bằng nhiều cách, thậm chí bỏ tiền túi vào để duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Ở góc độ làm chủ, không ai muốn để người lao động nghỉ việc vào thời điểm khó khăn khi rất nhiều người đã gắn bó với công ty trong thời gian dài. Để duy trì bộ máy gần 500 người, doanh nghiệp này hàng tháng vẫn phải đóng hơn 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chậm một ngày.
Cách đây một tháng, doanh nghiệp đã nộp đơn đề nghị lên cơ quan bảo hiểm nhưng đến nay vẫn chưa biết mình có thuộc diện được hỗ trợ giãn thời gian đóng bảo hiểm hay không.
Không riêng các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) và Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG) trước đó cũng đề xuất miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.
Cũng theo chuyên gia, đề xuất miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trong ngắn hạn là khả thi, không ảnh hưởng đến tính bền vững của Quỹ hưu trí, tử tuất.
Con số kết dư quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất 789.000 tỷ đồng hiện nay là sự tích luỹ trong nhiều năm. Chia sẻ với VnExpress, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định, thay vì cơ quan bảo hiểm xã hội thu đầy đủ nhưng doanh nghiệp kiệt quệ, người lao động mất việc làm, giảm mức đóng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc miễn, giảm bảo hiểm xã hội sẽ là quyết sách trong ngắn hạn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Khi đại dịch qua đi, nghĩa vụ đóng sẽ được cân đối lại dưới góc độ dài hạn.
"Doanh nghiệp đang trong tình huống dầu sôi lửa bỏng. Chúng ta cứ sợ cái này sợ cái kia, không biết bao giờ mới có chính sách cụ thể cho doanh nghiệp", ông nói.
Theo ông, chính sách giải cứu doanh nghiệp được ví như bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng cách phân thành nhiều tầng điều trị. Lý tưởng nhất là nên có các chính sách hỗ trợ với mức độ khác nhau dành cho doanh nghiệp chịu tác động mạnh và ít. Nhưng việc phân loại đối tượng sẽ mất thời gian bao lâu để chính sách này ra đời khi mà các bộ ngành hội họp, bàn thảo còn doanh nghiệp khó khăn từng ngày, tâm lý họ ngày càng mất kiên nhẫn.
"Tôi rất quan ngại vì bộ máy thực thi chính sách thì sợ bất cập còn niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào chính sách ngày càng bị xói mòn", ông nói.
Trên thực tế, Nghị quyết 68 đã có quy định cho doanh nghiệp tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất với điều kiện phải giảm tối thiểu 15% lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cũng được bảo hiểm xã hội trợ cấp tối đa 3,71 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phàn nàn chính sách chưa thoả đáng.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết Hưu trí, tử tuất là quỹ dài hạn, dùng để chi trả lương hưu, chế độ tử tuất cho người lao động và thân nhân. Tại gói an sinh 26.000 tỷ, Chính phủ đã có chính sách tạm dừng đóng Quỹ này cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo cơ quan này, Covid-19 khiến một bộ phận doanh nghiệp cho người lao động tạm ngưng, nghỉ việc, song đa số vẫn duy trì sản xuất. Các loại quỹ ngắn hạn như Ốm đau thai sản hay Quỹ tai nạn, lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn cần dùng để chi trả các chế độ khi người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
"Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thêm những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới, để báo cáo Chính phủ", vị này nói.
Còn theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, điều kiện để được hoãn đóng bảo hiểm là "giảm 15% lao động" là phù hợp, đã được tính toán kỹ. Nếu giảm hoặc miễn đóng sẽ ảnh hưởng Quỹ hưu trí, tử tuất, vì thực tế quỹ phải trả lương hưu, liên quan quyền lợi người lao động sau này.
Theo ông, thời điểm góp ý dự thảo Nghị quyết 68, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và cả doanh nghiệp mới đưa ra mức trên. Để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội đã đề xuất kéo dài thời gian tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021.
Khi thực hiện chính sách này, Bảo hiểm xã hội TP HCM đã rà soát, gửi thông báo đến gần 1.000 doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách trên. Tuy nhiên tính đến 27/8, chỉ 138 doanh nghiệp nộp hồ sơ, nhiều đơn vị tiếp tục đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội dù đủ điều kiện.
Ông cho rằng việc ít doanh nghiệp tiếp cận chính sách này "không phải do khâu thủ tục". Hồ sơ tinh giản hết mức, chỉ cần gửi đơn đề nghị (mẫu sẵn có), cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chỉ trong một ngày. "Quan điểm của nhiều doanh nghiệp là trước sau cũng phải thực hiện quy định, lo cuối năm đóng dồn một lúc thì không đủ tiềm lực", ông nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-buc-xuc-chuyen-dong-bao-hiem-xa-hoi-4348508.html
Liên hệ với CRIF D&B Việt Nam để được tư vấn:
-
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà Minh Long, số 17 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, Việt Nam.
-
Hotline: 02839117288
-
Email: csvietnam@crif.com
-
Website: https://dnbvietnam.com