Doanh nghiệp thủy sản chật vật duy trì sản xuất

Hỗ trợ giảm giá điện, hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng… là hai trong nhiều giải pháp được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản.

Cần hỗ trợ dài hơi

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đối với doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là khách hàng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất. Mức hỗ trợ là giảm 10% tiền điện trước thuế VAT trên hoá đơn tiền điện. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 9 đến hết tháng 11/2021).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản tối đa 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng. Doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được đề nghị hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/tấn tải trọng, tối đa 15 tỷ đồng/tàu.

Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, do thiệt hại bởi đại dịch và các chính sách giãn cách, doanh nghiệp cần được giúp đỡ nhiều hơn để bắt kịp hoạt động sản xuất. Mặc dù nhà máy của doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng đang hoạt động, nhưng công nhân ở khu vực có ca nhiễm không thể đi làm, khiến công suất rất thấp.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thương mại và Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) đang phải đối mặt với chi phí kiểm tra cao, trong khi công suất các nhà máy chỉ đạt 30%.

“Khó khăn nhất là chi phí đầu vào tăng cao do thực hiện “3 tại chỗ”, trong khi công suất chỉ được 30%. Mong muốn hiện nay của chúng tôi là tiêm vắc-xin cho tất cả người lao động”, bà Lê Thị Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Thuận Phước chia sẻ.

Bà Thảo cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản cần được hỗ trợ nhiều hơn, như giảm lãi suất ngân hàng, phí công đoàn; bảo hiểm xã hội nên chi trả lương cho công nhân không thể đi làm do phong tỏa, giãn cách...

Các bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam tổ chức sản xuất, nhưng cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động, nên công suất sản xuất trung bình chỉ bằng 40-50% so với trước đây.

Sự bùng phát của Covid-19 đã làm giảm 30 - 50% đơn hàng xuất khẩu. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc-xin, các công ty trở lại sản xuất, thì xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt 8,5-8,6 tỷ USD.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng, tình hình hoạt động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản; chỉ đạo các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất thủy sản và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu thủy sản.

Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuy-san-chat-vat-duy-tri-san-xuat-d151018.html

Liên hệ với CRIF D&B Việt Nam để được tư vấn:

Đang gửi....
0 Bình luận

Bài viết khác

Tư vấn

Copyright © 2019 CRIF D&B VIETNAM LLC - All Rights Reserved.