Nhiều doanh nghiệp Việt gặp gánh nặng về dữ liệu

Dữ liệu - thứ đang được ví như dầu mỏ thời 4.0 - vô tình trở thành gánh nặng với không ít doanh nghiệp, thay vì mang đến lợi thế cạnh tranh.

Nghiên cứu do Dell Technologies ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện, vừa cho biết, có không ít nghịch lý trong việc sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một phần từ nghiên cứu được triển khai tại 45 quốc gia, với 4.036 đáp viên là các giám đốc, người có quyền quyết định về các chính sách dữ liệu trong doanh nghiệp tại châu Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, nghịch lý đầu tiên trong sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam là về nhận thức. 73% người được hỏi nói doanh nghiệp của họ hoạt động dựa trên dữ liệu, gọi nó là mạch máu của công ty. Nhưng chỉ có 18% chứng minh được họ xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và sử dụng chúng xuyên suốt hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, có đến 76% doanh nghiệp cho biết họ thu thập thông tin nhanh hơn khả năng phân tích và sử dụng. Sự bùng nổ của dữ liệu đang khiến công việc của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn thay vì ngược lại.

Cụ thể, 71% doanh nghiệp than phiền họ sở hữu nhiều dữ liệu đến mức không thể đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và quy định, trong khi 70% cho rằng các đội nhóm làm việc đang quá tải bởi lượng dữ liệu đang có.

Ông Trần Vũ, Giám đốc Điều hành, Dell Technologies Việt Nam. Ảnh: Công ty cung cấp

Ông Trần Vũ, Giám đốc Điều hành, Dell Technologies Việt Nam. Ảnh: Công ty cung cấp

Ông Trần Vũ, Giám đốc Điều hành, Dell Technologies Việt Nam cho rằng, trong thời điểm các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn trong việc chuyển đổi số để tăng tốc dịch vụ khách hàng, họ cần phải kết hợp hài hòa giữa việc thu thập thêm dữ liệu, đồng thời khai thác những dữ liệu hiện hữu.

"Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, 39% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh đang gia tăng lượng dữ liệu họ cần thu thập, lưu trữ và phân tích. Trở thành một doanh nghiệp hoạt động dựa trên dữ liệu là một chặng đường dài và họ sẽ cần đến những chỉ dẫn trong suốt cuộc hành trình này", ông nói.

Một nghịch lý khác là "thấy nhưng không làm". Trong 18 tháng qua, lĩnh vực theo yêu cầu (on-demand) đã và đang mở rộng, khơi mào cho một làn sóng mới của các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu, dữ liệu ở bất kỳ đâu. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng phục vụ tức thì nhu cầu đặt giao hàng, đi chợ, gọi giúp việc...là ví dụ.

Để tổ chức các dịch vụ on-demand thì thường cần doanh nghiệp chuyển phần lớn ứng dụng và cơ sở hạ tầng sang mô hình "như một dịch vụ" (as-a-Service) nhằm giảm chi phí lưu trữ, tối ưu hóa kho dữ liệu và vượt ra các rào cản hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu đang có. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình "as-a-Service", vẫn chiếm rất ít (24%).

Điểm tích cực là dù các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, không ít đơn vị đã có kế hoạch chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. 53% dự định triển khai công nghệ máy học (Machine Learning) để tự động hóa quá trình phát hiện dữ liệu bất thường, 54% muốn dùng mô hình dữ liệu như một dịch vụ (data-as-a-service).

Đến nay, theo ông Trần Vũ, những doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số là ngành tài chính ngân hàng. "Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay, rõ ràng các ngân hàng, những doanh nghiệp về thanh toán điện tử đang rất chủ động trong việc chuyển đổi số. Nhưng họ sẽ rất cần sự hỗ trợ từ viễn thông bởi họ cần 5G được triển khai nhanh hơn", ông đánh giá.

Theo khuyến nghị của chuyên gia, có 3 cách để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế. Thứ nhất, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng được yêu cầu của dữ liệu tại vùng biên, tức nơi dữ liệu được thu thập. Sự kết hợp này mang hạ tầng và ứng dụng của doanh nghiệp đến gần hơn nơi dữ liệu cần được thu thập, phân tích và đưa ra quyết định hành động.

Thứ hai, tối ưu hóa "ống" dẫn dữ liệu để nó có thể "chảy" tự do và an toàn bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML).

Và cuối cùng là phát triển phần mềm để mang đến những trải nghiệm tích hợp, cá nhân hóa mà khách hàng mong muốn.

Theo ông Trần Vũ, công nghệ thông tin không còn lạc hậu như việc mạng của nhân viên bị rớt, nhân viên IT phải kiểm tra dây mạng. Công nghệ thông tin giờ đây trở thành một mô hình kinh doanh trong doanh nghiệp. Ví dụ, trong 8 tiếng làm việc, cần phải đảm bảo hệ thống vận động xuyên suốt trong 8 tiếng.

Cách đây 5 năm, việc triển khai dự án 1.000 máy tính sẽ mất 8 đến 12 tháng là bình thường. Nhưng trong thời điểm vừa rồi, việc triển khai chỉ mất 3 tháng. "Điều đó cho thấy doanh nghiệp phải đưa ra quyết định nhanh hơn nhằm duy trì khả năng vận hành nội bộ", ông lấy ví dụ.

Nguồn: https://vnexpress.net/nhieu-doanh-nghiep-viet-gap-ganh-nang-ve-du-lieu-4346824.html

Liên hệ với CRIF D&B Việt Nam để được tư vấn:

 

Đang gửi....
0 Bình luận

Bài viết khác

Tư vấn

Copyright © 2019 CRIF D&B VIETNAM LLC - All Rights Reserved.